Có nhiều quan niệm về KNS và mỗi quan niệm lại được diễn đạt theo những cách khác nhau.
1. Có quan niệm coi KNS là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày (Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc viết tắt là UNESCO)
2. Có quan niệm coi KNS là những kĩ năng thiết thực mà con người cần để có cuộc sống an toàn và khoẻ mạnh. Tổ chức y tế thế giới ( viết tắt là WHO) coi KNS là những kĩ năng mang tính tâm lí xã hội và kĩ năng về giao tiếp được vận dụng trong những tình huống hằng ngày để tương tác một cách hiệu quả với người khác và giải quyết có hiệu quả những vấn đề, những tình huống của cuộc sống hàng ngày.
Có thể thấy: quan niệm về KNS của UNESCO có nội hàm rộng hơn quan niệm của WHO ( tổ chức y tế thế giới). Vì :
Thứ nhất là: những năng lực để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày sẽ bao gồm cả những kĩ năng cơ bản như: kĩ năng đọc, viết, làm tính...trong khi đó những kĩ năng mang tính tâm lý xã hội và kĩ năng giao tiếp để giải quyết có hiệu quả những tình huống trong cuộc sống... là những kĩ năng phức tạp hơn đòi hỏi sự tổng hợp các yếu tố kiến thức, thái độ và hành vi.
Thứ hai là: những kĩ năng tâm lí-xã hội thuộc phạm vi hẹp hơn trong số những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày.
3. Tương đồng với quan niệm của tổ chức y tế thế giới, còn có quan niệm KNS là những kĩ năng tâm lí xã hội liên quan đến những tri thức, những giá trị và những thái độ, cuối cùng được thể hiện ra bằng những hành vi làm cho các cá nhân có thể thích nghi và giải quyết có hiệu quả các yêu cầu và thách thức của cuộc sống
Như vậy, các KNS nhằm giúp chúng ta chuyển dịch kiến thức- "cái chúng ta biết” và thái độ, giá trị - "cái chúng ta nghĩ, cảm thấy, tin tưởng” thành hành động thực tế - “làm gì và làm cách nào” là tích cực nhất và mang tính chất xây dựng.
KNS vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội. KNS mang tính cá nhân vì đó là năng lực của cá nhân. KNS còn mang tính xã hội vì trong mỗi một giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội, ở mỗi vùng miền lại đòi hỏi mỗi cá nhân có những KNS thích hợp. Chẳng hạn: KNS của mỗi cá nhân trong thời bao cấp khác với KNS của các cá nhân trong cơ chế thị trường, trong giai đoạn hội nhập; KNS của người sống ở miền núi khác với KNS của người sống ở vùng biển, KNS của người sống ở nông thôn khác với KNS của người sống ở thành phố ...