“Chán đời quá cậu à, chán quá, chán thật đấy, chán chẳng biết làm gì nữa…”. Đó là những câu nói đã trở thành “điệp khúc” quen thuộc của nhiều sinh viên trong những câu chuyện thường ngày.
Như đã thành một thói quen, mỗi khi gặp nhau, hay trong bất kì câu chuyện thường ngày nào của sinh viên cũng có những từ ngữ chán đời, chán quá, hay buồn đời quá…Tưởng chừng như đó chỉ là câu nói cửa miệng nhưng nó đã trở thành một “hội chứng” của sinh viên. Không ít bạn đã rơi vào tình trạng “chán đời” như vậy mà vẫn chưa tìm được lối thoát.
Có một nghìn lẻ một lí do để sinh viên kêu “chán đời”. Đó là chuyện học hành không được như ý muốn, chuyện tình cảm không được suôn sẻ, gia đình có nhiều chuyện không vui, hay lên đại học khó hòa đồng với bạn bè trong lớp… hay do những nỗi buồn vu vơ, không tên, và cũng không biết vì sao, nhất là với những sinh viên nữ thường “sáng nắng chiều mưa” hay đơn giản chỉ vì có quá nhiều thời gian rỗi mà không biết dùng vào việc gì.
Một lần ngồi nói chuyện với cô bạn thân của tôi trên đại học thì được biết: “Lên đại học tìm được cho mình một người bạn thân khó quá. Học năm thứ 2 rồi mà vẫn chưa hòa đồng được với lớp”. Có lẽ đây cũng là tâm lí của rất nhiều bạn sinh viên, nhất là với những sinh viên năm nhất thường chưa dễ dàng làm quen với môi trường học trên đại học. Không chỉ là khó tìm cho mình được một người bạn thân mà trong lớp, nhiều bạn cũng cảm thấy mình lạc lõng, khó hòa đồng với những người bạn mới trên đại học. Đây cũng là lí do vì sao sinh viên “chán đời”.
Còn xóm trọ sinh viên của tôi thì lí do để “chán đời” chính là vì hàng ngày ai cũng có quá nhiều thời gian rỗi mà không biết làm gì. Thường thì nửa ngày lên lớp học, còn nửa ngày ở nhà, bạn thì vùi đầu vào máy tính, bạn thì ngủ từ chiều đến tối, bạn thì quanh quẩn rồi đi chơi…Và từ khi chuyển về xóm trọ này đến bây giờ, tôi chưa hề biết đến thời gian học ở nhà của tôi cũng như bất cứ một bạn nào trong xóm là thế nào. Chỉ khi nào đã gần đến ngày thi cả xóm mới trong điện học cả đêm. Và điệp khúc: “Chán quá, không biết làm gì bây giờ” dù không muốn nhưng ai trong xóm cũng phải nghe rất nhiều. Đã có bạn muốn đi tìm việc làm thêm. Nhưng ngay hôm sau lại đổi ý: “Chán quá, biết tìm việc gì phù hợp được”. Vậy là lại thôi.
Khi sinh viên thất tình cũng dẫn đến “chán đời”. Tình yêu sinh viên đúng là rất đẹp, rất lãng mạn. Nhưng tình yêu sinh viên cũng làm rất nhiều bạn, nhất là những sinh viên nữ rơi vào tình trạng chán đời triền miên khi chia tay và có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Tôi đã từng phát khổ vì cô bạn thân ngày trước học cùng cấp III. Khi đang yêu thì cô ấy vui vẻ là thế, yêu đời là thế. Nhưng khi người yêu chia tay thì tôi không còn nhận ra đó là cô bạn mình ngày trước nữa. Cậu ấy gầy, xanh xao đến khó tin. Đó là hậu quả của việc “tớ chán quá không muốn ăn cơm” và “bây giờ tớ chỉ muốn đi uống rượu thôi, chỉ như thế tớ mới hết buồn”. Có đến mấy tháng liền như vậy, cho đến khi cậu ấy tìm được người yêu mới.
“Chán đời” tưởng chừng như câu nói cửa miệng của sinh viên nhưng nó đã trở thành “hội chứng” trong thế giới sinh viên. Và “hội chứng” này đã gây ra nhiều hậu quả tai hại đối với sinh viên. Cô bạn của tôi, trong một lần đi uống rượu để “quên đi anh ấy” suýt chút nữa đã bị đụng xe trên đường về. Còn cậu bạn cùng xóm trọ tôi, trong một lần “chán đời” không có việc gì làm đã đi uống rượu và đã gây gổ đánh nhau với người ta. Hơn thế nữa, gần đây chúng ta cũng đã biết rất nhiều vụ sinh viên tự tử cũng chỉ vì lí do “chán đời”.
Cuộc sống sinh viên có rất nhiều niềm vui từ bạn bè, trường lớp, thầy cô, công việc, tình bạn, tình yêu. Vậy sao các bạn không đi tìm những niềm vui ấy mà luôn tự giam mình cùng “căn bệnh” chán đời kia. Thời sinh viên là thời đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi người. Mong rằng đừng bạn nào để nó trôi qua trong sự buồn chán để rồi sau này ngoảnh đầu lại mới thấy tiếc nuối thì đã muộn. Như nhà văn Nikolai A.Ostrovsky đã từng nói: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình…”. Tôi nghĩ đây không chỉ là phương châm sống của những thanh niên thế hệ Pavel mà còn là của tôi và các bạn cũng như thế hệ sinh viên hiện nay.