Lịch sử đã cho thấy, trông chờ vào lòng tốt của kẻ mạnh là một sai lầm. Với chủ quyền quốc gia thì đó là sai lầm lớn nhất và không được phép mắc phải. Vì thế, không còn cách nào khác là phải tự mình cứu mình trước. - TS Giáp Văn Dương đặt vấn đề.
ASEAN xé lẻ
Trong lúc căng thẳng ở Biển Đông ngày càng gia tăng thì nội bộ ASEAN - diễn đàn chính được kỳ vọng giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình - lại đối mặt với nhiều vấn đề nóng có khả năng gây mất đoàn kết nghiêm trọng trong khu vực.
Ngày 9/6/2011 vừa qua, sự kiện tàu cá Trung Quốc được hộ tống bởi 2 tàu ngư chính xông vào cắt cáp tàu Viking 2 của Việt Nam cùng với sự kiện ngày 26/5/2011 khi 3 tàu hải giám Trung Quốc đã vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam, cách mũi Đại Lãnh thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam 120 hải lý để uy hiếp và cắt cáp của tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đã làm nổi lên những đợt sóng mới, tiếp nối những căng thẳng đã có về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Trong khoảng thời gian đó, Thái Lan và Campuchia lại đang bận bịu với việc đưa nhau ra Tòa quốc tế vì tranh chấp đền Preah Vihear ở gần biên giới của hai nước, sau một thời gian đối đầu bạo lực.
Chỉ trước đó không lâu, Lào với dự định xây đập thủy điện Xayaburi trên sông Mekong dưới sự đầu tư của Thái Lan, có nguy cơ tổn hại lớn đến nguồn nước và môi trường sinh thái của Campuchia và Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam, đã gây lo ngại sâu sắc của nhiều giới nhiều ngành, không chỉ ở những nước trực tiếp bị ảnh hưởng, mà còn cả trong một số tổ chức môi trường quốc tế.
Với thực tế đó, ASEAN đang bị xé lẻ trước nhiều vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến sự phát triển, ổn định và an ninh của khu vực, đặc biệt với vấn đề tranh chấp Biển Đông, được dự báo sẽ ngày càng phức tạp và có nguy cơ trở thành điểm nóng của khu vực và thế giới.
Tranh chấp Biển Đông diễn ra giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Vì thế, ASEAN nghiễm nhiên được coi là diễn đàn khu vực để thương lượng giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Tuy nhiên, Myanmar - một thành viên của ASEAN -lại bày tỏ quan điểm đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp. Một số nước khác chỉ kêu gọi chung chung, không bày tỏ chính kiến rõ ràng vì không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông.
Sự đoàn kết nội bộ của ASEAN đang bị thử thách nghiêm trọng. Trên thực tế, thỏa thuận về quy tắc ứng xử của ASEAN và Trung Quốc (DOC 2002) hầu như vẫn chỉ nằm trên giấy, ít có giá trị ràng buộc.
Trong khi đó, Trung Quốc với tiềm lực vượt trội về kinh tế và quân sự lại gia tăng áp lực tranh chấp toàn diện và đưa các tàu "ngư chính, hải giám" đi quấy phá vùng biển các nước ASEAN; liên tục dùng ngoại giao chi phiếu và viện trợ quân sự đối với các nước không có tranh chấp trực tiếp để kiểm soát và gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN.
Tự mình cứu mình
Vậy phải làm gì trong bối cảnh này? Trông chờ vào lòng tốt của Trung Quốc - nguyên nhân chính của căng thẳng bằng việc đòi hỏi 80% diện tích Biển Đông thuộc chủ quyền của mình - hay tự mình cứu mình trước khi quá muộn?
Lịch sử đã cho thấy, trông chờ vào lòng tốt của kẻ mạnh là một sai lầm. Với chủ quyền quốc gia thì đó là sai lầm lớn nhất và không được phép mắc phải. Vì thế, không còn cách nào khác là phải tự mình cứu mình trước.
Vậy cứu mình bằng cách nào? Không còn cách nào khác là làm cho mình mạnh lên và lôi kéo bạn bè, đồng minh, những người có cùng lợi ích và mối quan tâm đứng về phía mình.
Nhưng làm mình mạnh lên bằng cách nào? Không còn cách nào khác là đoàn kết lòng dân, làm cho dân tin. Muốn thế, lãnh đạo phải gương mẫu, bản lĩnh, có tâm có tài, và quan trọng, phải vì dân trước hết, phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Vì nhân dân, thời nào cũng thế, đều nhìn vào lãnh đạo để hành xử.
Nhân dân phải được tôn trọng và bảo vệ, phải được lắng nghe, phải được thông tin về mọi diễn biến lớn của đất nước. Được như thế, dân sẽ không ngại hy sinh để bảo vệ đất nước.
Trong cuộc chiến pháp lý, những nghiên cứu về Biển Đông, được công bố trên các tạp chí và sách báo quốc tế, sẽ có sức nặng quyết định. Vì thế, chính phủ cần công khai khuyến khích và hỗ trợ các trường đại học, các viện nghiên cứu liên quan đến Biển Đông, tăng cường đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu về Biển Đông trong nhiều lĩnh vực khác nhau để từ đó xây dựng cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
Còn lôi kéo bạn bè, đồng minh? Với ASEAN, do có khác biệt nhiều về Tôn giáo, Văn hóa và Thể chế chính trị, nên những mối quan tâm chung không hẳn đã đồng qui. Việt Nam không thể chấm dứt tranh chấp đền Preah Vihear nếu Thái Land và Campuchia không muốn, cũng không thể quyết định thay cho Lào trong việc dừng xây dựng thủy điện Xayaburi. Vì thế, sợi dây khả dĩ nhất để liên kết các nước ASEAN là triển vọng xây dựng một khu vực an ninh, thịnh vượng và chia sẻ những lợi ích chung thông qua hợp tác, tuy còn ở dạng tiềm năng nhưng có thể trở thành hiện thực nếu biết khai thác.
Với Biển Đông, lợi ích chung đó chính là sự bình yên, tự do hàng hải và sự đảm bảo các lợi ích hợp pháp của quốc gia theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982. Trong số năm nước có tranh chấp với Trung Quốc thì có đến bốn nước ASEAN, đó là: Việt Nam,Phillipines, Malaysia và Indonesia và cũng không loại trừ Brunei, khi nói đến đường lưỡi bò.
Với ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, thể hiện qua "đường lưỡi bò" trong bản đồ họ trình lên Liên hiệp quốc ngày 7/5/2009, thì lợi ích hợp pháp của cả năm nước ASEAN đều bị Trung Quốc đe dọa. Đó chính là một trong những đầu mối quan trọng để liên kết các nước ASEAN trong công cuộc đoàn kết chống lại ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Ngoài ASEAN, một số nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... cũng có quyền lợi trực tiếp thông qua tự do hàng hải ở Biển Đông, nên việc xiển dương và chia sẻ những lợi ích về tự do hàng hải này cũng sẽ là một động lực để họ đứng về ASEAN trước tham vọng của Trung Quốc.
Việc xiển dương những lợi ích chung này, không nên chỉ nằm trong chương trình hoạt động của chính phủ, mà cần thiết phải được triển khai rộng mở đến các tầng lớp nhân dân, thông qua các chương trình ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hóa, trao đổi khoa học, giáo dục, thể thao... Vì suy cho cùng, chính sách và hoạt động của các chính phủ, đều do lòng dân qui định, và chịu điều chỉnh liên tục khi nhận thức của nhân dân thay đổi.
Việt Nam, với tư cách là một trong những nước chịu tác động nhiều nhất của tranh chấp Biển Đông cũng như việc khai thác dòng sông Mekong, cần phải là người chủ động hơn nữa trong việc đoàn kết các nước ASEAN, trước hết vì lợi ích trực tiếp của chính mình, sau nữa vì hòa bình và ổn định chung cho toàn khu vực.
Ngoài ra Việt Nam cần chính xác và minh bạch các thông tin công bố, chẳng hạn trong sự kiện 26/5/2011: Ban đầu thông tin nói rằng đây không phải là lần đầu Trung Quốc quấy nhiễu các tàu thăm dò dầu khí. Nhưng sau đó, lại có thông tin rằng đây là lần đầu. Điều đó khiến cho giới quan sát bị lẫn lộn, và một số người đã suy diễn rằng tại sao lần này Việt Nam lại quyết định đưa chuyện này ra công khai, còn những lần trước thì không. Vì vậy, một chính sách thông tin minh bạch và nhất quán là điều tối cần thiết đối trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Không có sự thông cảm và hiểu biết chung nào tự nhiên đến. Cũng không có thành quả nào tự trên trời rơi xuống. Tất cả đều là kết quả của một quá trình nỗ lực bền bỉ lâu dài. Nên việc Việt Nam cần chủ động có một chiến lược ngoại giao nhân dân, song song cùng việc tăng cường ngoại giao chính phủ, trước một thực tế ASEAN đang bị chia rẽ, là điều vô cùng cần thiết.
Nói cách khác, chính phủ và mỗi người dân Việt Nam cần phải là người chủ động trong việc đoàn kết ASEAN để bảo vệ lợi ích của chính mình cũng như hòa bình và an ninh chung trong khu vực.