Blue_Sky Trung Sĩ
Tổng số bài gửi : 178 Points : 398 1 Join date : 30/08/2011
| Tiêu đề: Tủi nhục khi phải gọi bố bằng Anh Thu Sep 01, 2011 7:32 am | |
| Bố tôi, suốt một thời trai trẻ hi sinh cho đất nước, hết lòng vì vợ con... cuối cùng cũng bị chính người cha đẻ của mình cướp đi niềm hạnh phúc duy nhất của cuộc đời.
Ngày còn bé, mỗi khi chạy long nhong đi chơi với mấy đứa trẻ con hàng xóm, những người lớn tuổi lại xì xầm nói với nhau: "Thằng Hưng là con ông Thắng chứ không phải con anh Bằng đâu!"... Lời ra tiếng vào cứ đồn thổi hết làng này sang làng khác, từ ngày tôi còn lên ba lên năm, cho tới khi tôi trưởng thành, học Đại học... mọi người vẫn không khỏi đề cập đến chuyện đó.
Cách đây 27 năm, mẹ lấy bố tôi. Bố là con trai độc nhất trong một gia đình khá giả nhất làng thời ấy. Cưới mẹ gần một tháng, bố quay trở lại đơn vị công tác, biền biệt một năm, bố mới quay về. Cuộc sống của một người lính nơi hải đảo xa xôi biết bao khó khăn, thiếu thốn. Không những thiếu thốn vật chất mà hơn hết, những người lính ở đấy luôn đau đáu nỗi nhớ mong về mảnh đất liền, nơi có những người vợ, những đứa con thơ ngày đêm mong ngóng chồng về để sum họp gia đình.
Biết là lấy chồng bộ đội sẽ rất vất vả nhưng vì yêu thương bố nên mẹ cam chịu cuộc sống khó khăn, không có người đàn ông của mình bên cạnh, chăm sóc những lúc ốm đau, trái gió trở trời...
Ba năm lấy nhau đồng nghĩa với ba lần nghỉ phép của bố và ba lần mẹ được sống cuộc sống của một người vợ! Sau này, tôi chỉ được dì mình kể lại: "Ngày ấy, bố mày về nghỉ phép là mẹ mày đang trở dạ. Ông ấy chưa kịp vui vì được làm bố thì không ít lời ra tiếng vào rằng mày không phải con ông nhưng lại cùng một giá thú... Từ đó, bố mày đi biền biệt, mỗi năm nghỉ phép cũng chẳng về nhà nữa. Nghe đâu, bố mày có vợ hai ở tận trong Đà Nẵng"... Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết câm lặng khóc.
Từ khi tôi lớn lên, tôi chưa bao giờ có được sự yêu thương, chăm bẵm của bà mà trái lại, bà luôn hắt hủi, chửi rủa tôi chẳng khác gì một con vật nuôi trong nhà. Nhưng trái lại, ông thì một mực thương yêu tôi, mỗi lúc đi học về, ông lại mua bánh kẹo, quà cáp cho tôi. Nhưng có lẽ, không ai có thể hiểu được sự tủi nhục của mẹ tôi ngày ấy... Quanh năm suốt tháng, mẹ hết đạp xe lên cơ quan đi làm rồi lại lủi thủi đạp xe về. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ sang nhà láng giềng chơi, cũng chẳng thấy mẹ đi đâu mỗi khi được nghỉ phép... Đôi khi, tôi muốn hỏi sự thật về lời đồn thổi của mọi người nhưng khi nhìn vào nỗi buồn sâu thẳm hằn sâu trong đôi mắt mẹ, tôi lại thấy thương mẹ hơn bao giờ hết...
Chính ông nội đã cướp đi tuổi xuân xanh và niềm hạnh phúc của mẹ!
Tôi ra trường và về công tác ở thành phố, nơi cách xa gia đình tôi cũng chỉ gần 10 cây số. Nhà neo người, ông bà ngày càng già yếu, mẹ cũng đã nghỉ hưu nên tôi vẫn sáng đi tối về để không khí trong nhà bớt cô quạnh. Từ ngày tôi học lớp một đến giờ, tôi chỉ gặp bố có hai lần... và từ đó, ông ấy vẫn biền biệt không về. Bao nhiêu lần tôi có ý định trốn mẹ đi tìm bố nhưng cuối cùng, tôi cũng chẳng thể đi vì không biết được tung tích của ông ấy nơi đâu. Mẹ mòn mỏi chờ đợi, mòn mỏi khóc thương cho sầu đôi mắt... nhưng bao nhiêu giọt nước mắt là bấy nhiêu lần mẹ tự vấn lòng mình, day dứt lương tâm và sự tủi nhục, hổ thẹn đay nghiến cuộc sống của mẹ. Gần ba mươi năm làm dâu, tính ra, mẹ chỉ được làm vợ của người đàn ông mình thương yêu chưa đầy hai tháng... Nhưng, nỗi cô đơn, buồn tủi của mẹ lại đằng đẵng suốt mấy chục năm trời.
Ông ốm nặng, có thể sẽ không qua khỏi cơn nguy kịch này. Bác họ tôi nhờ người tìm bố khắp nơi, cuối cùng bố cũng về để ở bên ông những giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế. Ông muốn gặp bố và tôi để trăn trối lần cuối: "Bằng à! Bố xin lỗi! Hãy tha thứ cho bố nghe con... Bao nhiêu năm qua, bố đã cướp đi hạnh phúc của con, cướp đi tuổi thanh xuân của vợ con, cướp đi quyền làm chồng, làm vợ, làm bố, làm mẹ của các con... Hưng à! Hãy tha thứ cho cha, con nhé!...". Hai bàn tay của ông cầm lấy hai bàn tay của tôi và bố tôi, trút hơi thở cuối cùng...
Vậy là mọi sự đã rõ... Khi người ta chết, người ta sẽ không giấu giếm bất cứ một điều gì nữa! Có lẽ, khi trút những lời trăn trối cuối cùng đó, linh hồn ông sẽ được siêu thoát...! Lần đầu tiên, một thằng con trai mạnh mẽ trong tôi đã khóc... Tôi oán hận cuộc đời thật bất công, nghiệt ngã... bất công với bố tôi, bất công với mẹ tôi và cả tôi nữa... Tôi không thể gọi ông nội là cha được, không thể nào... Còn bố tôi thì sao? Tôi phải gọi người bố bất hạnh của mình bằng anh ư? Tại sao lại thế chứ? Không thể nào có chuyện động trời như vậy được... "Mẹ ơi! Tại sao lại thế?"... Tôi gào thét như một kẻ điên loạn giữa bao nhiêu tiếng khóc than... Còn mẹ, mẹ đã ngất lịm đi trong vòng tay của người chồng mà mẹ đã mòn mỏi đợi chờ bấy lâu nay!
Cuối cùng, bố tôi cũng bị chính người cha đẻ của mình cướp đi niềm hạnh phúc duy nhất của cuộc đời
Cuộc đời là một chuỗi những bi kịch. Và, bi kịch ấy không phải ai khác chính là những người thân trong gia đình dựng lên! Mẹ tôi, gần ba mươi năm ròng rã đợi người đàn ông duy nhất của cuộc đời mình lại là người phụ nữ bất hạnh nhất! Bố tôi, suốt một thời trai trẻ hi sinh cho đất nước, hết lòng vì vợ con... cuối cùng cũng bị chính người cha đẻ của mình cướp đi niềm hạnh phúc duy nhất của cuộc đời. Và tôi, cái bào thai mẹ đã mang nặng đẻ đau suốt chín tháng mười ngày là sản phẩm của một lần bị bố chồng hãm hiếp... Tôi có bố nhưng không được gọi là bố, có bà nhưng không được gọi là bà... chỉ có một người, một người thân duy nhất là mẹ mà thôi!
Ngày đưa tiễn ông sang bên kia thế giới, tôi không khóc nổi một tiếng "cha". Chỉ ngậm ngùi chống gậy song hành với "bố", tiễn bước đưa "ông" an giấc ngàn thu!
| |
|