Giày mũi nhọn gót cao giúp bạn tạo dáng, cải thiện chiều cao, song "diện" kiểu giày này thường xuyên, bạn sẽ phải đối diện với nguy cơ bị vẹo ngón cái, một loại bệnh lý khiến bàn chân trở nên "mất mỹ quan" và gặp khó khăn khi vận động.
Vẹo ngón cái là loại hình bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt ở những phụ nữ có tuổi thường xuyên đi giày mũi nhọn và gót cao. Ở châu Âu cũng như ở Bắc Mỹ, bệnh lý này khá phổ biến. Bệnh thường gây biến dạng ngón cái, khớp bàn của ngón cái, gây đau tại ngón cái và ảnh hưởng tới sự vận động đi lại (đặc biệt khi đi giày mũi nhọn gót cao), cũng như tới thẩm mỹ của bàn chân.
Những đôi giày cao gót thế này giúp dáng bạn đẹp hơn, nhưng đi
thường xuyên, bạn sẽ phải đối diện với nguy cơ bị vẹo ngón cái
Ở Việt Nam trước đây, loại hình bệnh lý này ít được mọi người quan tâm do xuất hiện với tần suất thấp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của thời trang giày và với xu thế ăn mặc ngày càng gần với thế giới, loại hình bệnh lý này đang ngày một tăng lên. Tại khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện Hữu nghị Việt Đức số lượng bệnh nhân đến khám bệnh, tư vấn về tình trạng ngón chân trong thời gian gần đây tăng lên nhiều hơn so với trước.
Vai trò của ngón chân cái
Bàn chân người được cấu tạo bởi các xương cổ chân, bàn chân và ngón chân. Các xương này được giữ vững, liên kết với nhau bởi hệ thống phần mềm gồm bao khớp, dây chằng, gân, cơ. Thông thường, ngón chân gồm có 3 đốt ngón, riêng ngón cái chỉ có 2 đốt ngón là đốt ngón một và đốt ngón hai. Đốt ngón một là đốt tiếp giáp với đốt bàn ngón, đốt ngón hai tiếp giáp với đốt ngón một.
Đối với bàn chân, ngón cái là ngón vận động nhiều nhất và có vai trò "chủ xị" trong hầu hết các hoạt động của bàn chân. Mọi tư thế vận động như đi lại, chạy nhảy, kiễng... đều phải cậy nhờ đến sự "góp mặt" của "ông anh cả" này. Chính vì vậy, mọi hoạt động có liên quan đến bàn chân sẽ gặp khó khăn, thậm chí bị đình trệ, khi "ông anh cả" có vấn đề.
Khi "anh cả" uốn mình
Ở người bình thường, đốt bàn ngón cái và các đốt của ngón cái nằm trên một đường thẳng. Đối với người đi giày mũi nhọn, gót cao thường xuyên, trong nhiều năm tháng, đường thẳng này không còn thẳng nữa do sự biến dạng của ngón cái. Cụ thể là trên đường thẳng ấy, tại nơi tiếp giáp giữa đốt một của ngón cái và đốt bàn ngón, người ta thấy nhô ra một cục trông giống như cái bướu. Cái bướu này lúc đầu nhỏ và không gây đau đớn lắm. Người mang giày chỉ cảm thấy đau rát, khó chịu ở rìa ngoài ngón cái. Vùng da tại nơi đó có thể đỏ, rộp, trầy xước, có thể có phỏng nước ở vị trí tiếp xúc.
Tuy nhiên, sau nhiều năm phải "sống" trong "căn phòng" chật hẹp, cái bướu này lớn dần do tổ chức phần mềm bị kích thích. Cùng với sự phát triển về kích thước, lớp da bao bọc ngoài bướu cũng đồng thời dày lên và chai đi chứ không còn mềm mại nữa. Cho đến một ngày cái bướu làm cho khớp bàn ngón bị thoái hóa và ngón cái không còn ở vị trí bình thường nữa.
Lời khuyên
Nếu bạn đi giày cao gót mũi nhọn đi làm thì nên thủ thêm một đôi dép tại nơi làm việc để giái phóng cho đôi bàn chân. "Nhốt" chân cả ngày trong giày sẽ khiến chân không được "thở" và thư giãn. Mặt khác, tổ chức phần mềm của bàn chân bị bóp nghẹt thì lưu thông máu cũng sẽ không được tốt.
Đi giày cao gót mũi nhọn có thể gây đau nhức ngón chân, mỏi cổ chân, do đó, buổi tối, bạn nên ngâm chân trong nước ám, massage cho bàn chân để máu lưu thông được tốt hơn. Ngoài ra, khi nghỉ ngơi, gác chân cao cũng là một cách giúp cho máu lưu thông.
Lúc này, ngón cái có thể chồng lên trên hoặc quặp xuống dưới ngón bên cạnh, người bệnh vô cùng đau đớn cả lúc vận động cũng như khi không vận động. Thực chất, đây là sự biến dạng bên trong xương và tổ chức phần mềm do tình trạng bị chèn ép tại ngón cái tạo nên. Duyên do là với cấu tạo của một hình chóp nhọn, không gian chật chội của giày mũi nhọn, cộng với độ cao ở phần đế giày khiến cho ngón cái thường xuyên bị "đè nén". Tình trạng "áp bức" lâu ngày dẫn đến việc "ông anh cả" phải uốn mình lệch khỏi đường thẳng ban đầu để nhường chỗ cho những "người em" của mình.
Đẹp nhưng không hại thân
Trên thực tế, bệnh lý vẹo ngón cái do giày mũi nhọn, gót cao dễ khắc phục và không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại, vận động nếu như được phát hiện sớm. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh ở mức độ năng, người bệnh không thể đi lại được do quá đau đớn, phẫu thuật tạo hình lại ngón cái sẽ là chỉ định gần như bắt buộc. Khi đó, các bác sĩ sẽ phẫu thuật chỉnh lại góc lệch của xương ngón cái, chỉnh lại những khớp bị biến dạng, tái tạo lại tổ chức phần mềm và cố định lại xương, phần mềm, dây chằng bằng đinh, vít, nẹp. Thời gian phẫu thuật và phục hồi chức năng phải mất tới 3 tháng.
Chính vì vậy, chị em không nhất thiết phải từ chối giày cao gót mũi nhọn, nhưng cũng không nên lạm dụng. Những bữa tiệc, những buổi hòa nhạc, những dịp ngoại giao, giao đãi, diện giày cao gót sẽ có tác dụng tôn dáng, góp phần tạo nên một vẻ ngoài lịch sự, sang trọng nơi người mang nó. Tuy nhiên trong trường hợp phải đi bộ xa, nhiều, với thời gian lâu, giày đế bệt sẽ là giải pháp tối ưu. Người khôn ngoan không phải là người sở hữu bao nhiêu sản phẩm thời trang mà là người biết sử dụng các sản phẩm đó một cách hợp lý và đúng mục đích!