Blue_Sky Trung Sĩ
Tổng số bài gửi : 178 Points : 398 1 Join date : 30/08/2011
| Tiêu đề: Thước đo của lòng trung thực Fri Sep 09, 2011 1:00 pm | |
| Khi chúng ta còn là học sinh tiểu học hay trung học, thầy cô sẽ là người chịu trách nhiệm về xếp loại hạnh kiểm của chúng ta.
Nhưng khi chúng ta bước qua cánh cổng trường đại học, khoác lên mình cái mác sinh viên, sẽ không có một giáo viên nào có thể quan tâm, chăm sóc các bạn tận tình như “thời thơ bé”, càng không có ai đủ thời gian để theo dõi bạn, thu thập thông tin để đánh giá kết quả rèn luyện của các bạn. Đa số các trường đại học đều yêu cầu sinh viên tự đánh giá kết quả đó trước khi tập hợp lại để lớp trưởng nộp lên phòng quản lý sinh viên. Trường tôi cũng không phải ngoại lệ. Những ngày đầu năm 3, các bạn khoa tôi rục rịch rủ nhau tự “kiểm điểm” chính bản thân mình trong năm học trước. Sau khi thu thập đủ số phiếu đánh giá của cả lớp, lớp trưởng sẽ là người kiểm tra lại tính chính xác của chúng, và có thể sửa đổi nếu thấy có gì sai sót. Điều đáng ngạc nhiên trong 35 phiếu của lớp tôi là có tới hơn một nửa thành viên trong lớp đều “khai” đã làm lớp trưởng trong năm học vừa rồi, đã tích cực tham gia hoạt động của Đoàn Thanh Niên. Sẽ không có gì phải bàn nếu như con số đó hoàn toàn không có thực. Chỉ một phần rất nhỏ trong số họ thực sự góp mặt vào các hoạt động ấy. Số còn lại, liệt kê ra chỉ vì muốn tăng một vài điểm rèn luyện, để có thể làm đẹp hồ sơ cá nhân. Cô bạn lớp trường đã rơi vào tình cảnh khó xử vô cùng khi phát hiện ra sự gian lận ấy. Trung thực hay tình cảm bạn bè? Chọn lựa như thế nào không hề là chuyện đơn giản!
Gần nhà tôi có một cửa hàng sách rất nổi tiếng. Người ta kéo tới mua hàng không chỉ vì giá cả phải chăng khó nơi nào có được, không chỉ vì sự dễ mến của bác chủ quán, mà còn vì “sự đãng trí” thường xuyên của bác ấy. Mẹ tôi là bạn thân của bác, nên chị em tôi nghiễm nhiên trở thành khách hàng quen ở đó. Có lần tới mua sách, tôi nghe bác kể về những lần mất tiền oan. Cửa hàng thường xuyên đông khách, nhiều người vào hỏi hàng cùng một lúc, bác lấy nhiều loại sách vở, thước bút ra cho mọi người xem khi họ yêu cầu. Nhưng nhiều người “ác tính” trong số họ đã khéo léo phủ nhận trách nhiệm phải trả tiền bằng cách nói với bác rằng rõ ràng họ đã trả. Bác cũng không có cách nào để chứng minh, đành ngậm ngùi chịu thua thiệt, dù buổi tối, khi kiểm lại hàng và tiền, bác luôn thấy sự chênh lệch. Người ta tới mua sách báo vì muốn nâng cao tri thức, nhưng đôi khi, vì một chút lòng tham mà người ta đã đánh tụt phần nào những giá trị tri thức đó trong chính con người mình…
Quý 2 năm 2011, trung tâm phát triển và hỗ trợ cộng đồng và tổ chức hướng tới minh bạch đã công bố kết quả của cuộc khảo sát, điều tra về sự liêm chính của những người trẻ Việt. Con số hơn 1/3 số thanh viên tham gia khảo sát sẵn sàng vi phạm nguyên tắc liêm chính để có thể được nhận vào một ngôi trường hay một công ty tốt đã gây nên một sự xôn xao không hề nhỏ trong thời gian vừa qua. Ai cũng cố gắng phấn đấu vì tương lai của chính mình, nhưng sự nỗ lực vươn lên bằng bất cứ giá nào lại không phải điều mà các bậc tiền bối muốn gửi gắm tới giới trẻ. Người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc với những thứ do chính mình cất công giành được, người ta sẽ biết trân trọng những gì do chính mình tạo ra, do khả năng của bản thân có được. Nhiều người trẻ đã chấp nhận đánh mất niềm hạnh phúc ấy khi đồng ý “luồn cúi” để có được một vị trí trong lớp học ở trường nổi tiếng, trong một công ty có tiếng vang. Giá trị của hai chữ “liêm chính” trong cả cụm “cần kiệm liêm chính” mà Bác Hồ đã dạy chúng ta giờ đã ít nhiều bị mai một. Người ta vẫn thường xuyên nói về nó, hiểu rõ ý nghĩa của nó, nhưng lại ít người thực hiện theo nguyên tắc ấy. Liêm chính, nói đơn giản, sẽ là lòng trung thực, thẳng thắn trong mỗi con người. Bạn và tôi, chúng ta đều muốn sống liêm chính, nhưng liệu rằng chúng ta đã thực sự sống như thế? | |
|