"Lớp chúng mình, rất rất vui, anh em ta chan hoà tình thân. Lớp chúng mình rất rất vui, như anh em keo sơn một nhà.”
Chắc hẳn ai đã từng trải qua thời học sinh cũng đều quen thuộc với những câu hát ấy. Việc xây dựng một tình bạn đẹp phải cần bắt đầu từ sự đoàn kết, thấu hiểu và cảm thông giữa những người bạn. Điều ấy tưởng chừng hết sức dễ dàng, nhưng quả thật nó không hề đơn giản bởi lẽ nhiều bạn học sinh, sinh viên bây giờ tỏ ra khá thờ ơ, lãnh đạm với tập thể lớp và họ thường có xu hướng tách tốp, chia nhóm vì cho rằng chơi như thế mới vui.
Nhưng việc chia bè kết phái như vậy đã để lại không ít những rạn nứt trong mối quan hệ giữa những người bạn trong cùng một lớp.
Sự lạnh nhạt, thiếu hào hứng khi tham gia các hoạt động tập thể =">" Mất vui
Có thể nhận thấy rõ điều này mỗi khi lớp bạn có tổ chức tham quan, picnic hay những hoạt động văn hoá, thể dục thể thao như đá bóng, thi văn nghệ, … ; nhiều bạn tỏ ra hết sức hào hứng tham gia nhưng cũng có một số nhóm lại chẳng mấy hứng thú vì cho rằng đấy là những trò vô vị, mất thời gian. Dần dần, họ đã tạo dựng một bức tường vô hình ngăn cách mình với mọi người xung quanh và tự tách mình ra khỏi tập thể lớp. Ngọc Trang ( Lớp Lưu trữ & Quản trị văn phòng chia sẻ, ĐH KHXH & NV ) chia sẻ: “Bọn mình học theo tín chỉ nên mọi người trong lớp có thể lựa chọn học những môn khác nhau nên tuy cùng một lớp nhưng lại chẳng mấy khi học cùng nhau nên mình và các bạn ấy cứ nhàn nhạt thế nào ấy. Để các bạn trong lớp hiểu nhau hơn thì lớp mình đã quyết định tổ chức 1 buổi đi picnic. Tưởng đâu khi nêu ra ý kiến ấy sẽ có nhiều người hưởng ứng, ai dè chỉ có 5-6 người đồng ý. Khi hỏi tại sao không muốn chơi cùng lớp thì một số bạn bảo rằng bạn bè không thân lắm nên chơi chẳng vui, tốt nhất nghỉ cho khoẻ. Mình nghĩ mà nản quá!”
Tách nhóm dẫn đến sự xa cách, thậm chí thù ghét giữa “người trong nhóm” và “người ngoài nhóm”
Hiện tượng “chia bè kết phái” trong lớp được thể hiện rất đa dạng, qua nhiều khía cạnh như: cách học tập, ăn chơi (nhóm học giỏi, nhóm học kém), nơi xuất thân ( nhóm Hà Nội, nhóm tỉnh lẻ ) hay qua tính cách ( nhóm thích ăn chơi, bọn “mọt sách” hay hội “lập dị”,…). Việc lập hội bạn bè chơi thân với nhau chẳng có gì sai nhưng điều đáng nói chính là thái độ thiếu hoà đồng và sự quy kết một cách cảm tính giữa những người ở trong và ngoài “hội mình”. Đương nhiên, điều ấy sẽ dẫn tới sự không hiểu nhau giữa những người bạn “đồng môn” nhưng không “đồng chí hướng”. Từ đó mâu thuẫn, xung đột, mất đoàn kết trong nội bộ lớp bắt đầu nảy sinh. Hoàng Anh ( ĐH Văn hoá ) tâm sự: “Lớp mình tách thành 2 nhóm. Những bạn mong muốn đến lớp nghe giảng, học tập thật sự thì luôn ngồi ở những hàng ghế đầu. Còn nhóm thích ăn chơi đua đòi, đến lớp chỉ để điểm danh hoặc “chém gió” với bạn bè là chính thì lúc nào cũng hí húi ở cuối lớp. Hai nhóm chả mấy khi nói chuyện với nhau, đã vậy còn hay nhỏ to chê bai, chỉ trích ngầm nhau nên bạn bè cùng lớp mà cứ như người dưng nước lã vậy.”
Chia bè kết phái trong lớp =">" Bạn ít & bè nhiều
“Bạn” và “bè”, hai khái niệm tưởng chừng tương đồng nhưng thật ra không hoàn toàn giống nhau. “Bạn” là những người sẵn sàng chia sẻ buồn vui với ta bất kể hoàn cảnh nào. Còn “bè” là những kẻ chỉ tìm đến với nhau bởi một lợi ích, sở thích tương đồng nhất thời nào đó. Khi khó khăn, cần sự giúp đỡ, chia sẻ thì “bè” lập tức rụt tay, thu mình lại để tránh phiền toái, còn “bạn” lại là người sẵn sàng dang tay giúp đỡ ta vượt qua khó khăn, thử thách. Việc tách nhóm trong lớp vô hình chung đã làm mất đi cơ hội để mọi người trong lớp hiểu nhau và dẫn đến sự xa cách, làm tăng “bè” mà lại giảm “bạn”. Ai biết chắc rằng những người mà ta lầm tưởng là bạn “cùng hội cùng thuyền” kia luôn sát cánh bên ta những khi khó khăn hoạn nạn, trong khi những người bạn thật sự lại không có cơ hội giúp ta chỉ vì “không cùng hội”.
Để có một mối quan hệ tốt đẹp với mọi người trong lớp, chúng ta hãy mạnh dạn nói “không” với chuyện chia bè kết phái — một “căn bệnh” nguy hiểm ở chốn học đường. Hãy nhớ:
“ Đã là bạn, suốt đời là bạn
Đừng như sông, khi cạn khi đầy.”