“Hạnh phúc hay khổ đau không phụ thuộc vào hoàn cảnh mà phụ thuộc vào suy nghĩ của chúng ta” (Marth Washington).
Có những lúc chúng ta phải quyết định mình là ai và muốn trở thành người như thế nào? Khoảnh khắc đó xuất hiện khi ta muốn hồi sinh cuộc sống của bản thân sau những nếm trải đớn đau và bi phẫn, khi chúng ta chịu đựng nhiều vết thương lòng và muốn đứng dậy từ bài học xương máu ấy để thể hiện bản thân và sẵn sàng đối mặt với cuộc sống. Có đôi lần ta bị ai đó làm đau, ai đó làm tổn thương, nhưng rồi ta cần học cách tha thứ để “Quên được hôm qua và sống tốt cho ngày mai”
Tha thứ là gì?
Tha thứ không phải là một cảm giác, không phải là cái gì đó thực hiện tự động, đó là một sự lựa chọn, nó chính là bước quan trọng và khó khăn nhất để quên đi những điều không hay đã xảy ra, nó giải thoát ta khỏi những u uất, cảm giác trống trải, sợ hãi trong lòng.
Tại sao chúng ta nên tha thứ?
Nếu thông minh thì bạn sẽ nhận ra rằng khi tha thứ người được lợi đầu tiên và nhiều nhất chính là người đã biết tha thứ. Tha thứ không phải để xóa bỏ sai lầm, mà để giải thoát bản thân khỏi những cảm xúc tiêu cực đang bủa vây trong tâm trí. Bạn tha thứ chính là bạn đang kiếm tìm cho mình sự tự do.
Để thực sự tha thứ ta còn trải qua hai bước vô cùng khó khăn:
1. Hiểu và chấp nhận rằng chúng ta nên tha thứ. Cuộc sống không bao giờ như chúng ta mong muốn, đòi hỏi chúng ta vượt qua những bất ổn xảy ra xung quanh.
2. Quan trọng hơn chúng ta nên nhận thức khi nào chúng ta nên bỏ qua, tha thứ và tiến về phía trước. Chính điều này đánh dấu sự trưởng thành thực sự ở mỗi cá nhân, quá khứ không thể thay đổi, cái quan trọng là chúng ta cần thay đổi, sống hết mình cho hiện tại và tương lai. Tha thứ và bỏ qua cần thời gian và sự chấp nhận như nó vốn có của cuộc sống.
Vậy làm thế nào để tha thứ?
Tất cả những thứ bạn cần là:
Một trái tim mở
Suy nghĩ về những gì đã xảy ra, lắng nghe trái tim để nhận thấy những nỗi đau bạn đang cảm thấy. Hãy bộc lộ những cảm xúc đó bằng nước mắt nếu như bạn thấy chỉ có như vậy mới vơi bớt niềm đau.
Một tâm trí rõ ràng
Đừng quên rằng những người yêu thương bạn nhất cũng làm tổn thương và đôi khi còn phản bội chúng ta, nhưng không đồng nghĩa điều đó nói lên cái kết trong mối quan hệ. Vì vậy, ta không thể chờ mãi một câu xin lỗi, để lòng ta cảm thấy bớt tổn thương và khó chịu, mà thay vào đó chúng ta học cách chấp nhận và bỏ qua, học cách cảm thông với “kẻ thù” từ trái tim. Hãy đứng vào vị trí của người vô tình làm tổn thương ta, để nghĩ rằng trong tận sâu tâm khảm họ cũng luôn cảm thấy day dứt, khó khăn để chấp nhận hành động gây tổn thương của chính mình.
Một thái độ tích cực
Đừng bao giờ nghĩ rằng : “Tôi sẽ tha thứ trừ khi hắn xin lỗi…” càng như vậy chúng ta sẽ càng mang trên mình tảng đá của sự hận thù, và đang đặt cuộc sống của mình vào tay người khác, đừng đánh mất xúc cảm trái tim bằng sự giận dữ.
Sự trung thực với chính bản thân mình
Ta cảm thông bởi ai cũng đôi lần vô tình gây tổn thương cho người khác, vì vậy chúng ta hãy nhìn lại và tha thứ cho chính bản thân mình. Nó đồng nghĩa rằng chính mình cũng cần ở một ai đó sự tha thứ như vậy, học cách tha thứ chính là ta đang giúp cho cuộc sống của mình tươi đẹp hơn. Hãy tha thứ khi bạn đã sẵn sàng, chúng ta không phải là thánh để có thể bao dung, tha thứ ngay lập tức, hãy thắp một ngọn nến lên, và nghĩ rằng sự tức giận, sự tổn thương của bạn cũng đang tan chảy dần như dòng sáp nến kia. Tha thứ nghĩa là yêu thương.
“Tất cả tiền bạc trên thế giới không thể mua nổi một người bạn cũng như không thể trả lại cho bạn những gì đã mất” vết thương lòng theo thời gian cũng sẽ lành, những lỗi lầm cũng cần được sự tha thứ. Viết những hờn giận của bạn lên cát để sóng cuốn trôi nó về với biển, và giữ riêng mình sự yêu thương. Hãy học cách kiếm tìm tình yêu thương, vẻ đẹp và lòng nhân ái xung quanh. Tha thứ để thấy mình mạnh mẽ, bình yên, và sống cho ngày mai tươi đẹp hơn.