Nóng trong người (nội nhiệt) xảy ra do nhiều nguyên nhân. Chế độ ăn uống, sinh hoạt thích hợp sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
Nguyên nhân
Một số bạn đọc gửi thư cho chuyên mục sức khỏe, cho biết về tình trạng thường xuyên cảm thấy nóng trong người, hay đổ mồ hôi tay chân, khiến mọi hoạt động thường ngày đều trở nên khó chịu... Bên cạnh đó, nóng trong người thường biểu hiện bằng các triệu chứng: người khô táo, gầy yếu, khát nước nhiều, bứt rứt, khó ngủ, tiểu tiện khó khăn, tiểu ít, nước tiểu vàng, da khô, môi khô nứt nẻ, đổ nhiều mồ hôi, nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, dễ bị dị ứng, nhức đầu, choáng váng. Trẻ em thì nổi ban đỏ, chảy máu cam...
Mùng tơi, khổ qua, dâu... là những thực phẩm nên dùng khi bị nóng trong người - Ảnh: K.Vy
Theo y học cổ truyền “Âm hư sinh nội nhiệt”, nóng trong người là do âm hư bởi các nguyên nhân sau: nội nhân - do chức năng hoạt động của các tạng phủ yếu không thể thải các chất độc sinh ra trong quá trình chuyển hóa, gan và thận suy yếu nên các chức năng thanh lọc không đủ sức giải độc làm độc chất bị tích tụ lại, và chính những độc tố này tạo nên nóng trong người. Và do ngoại nhân như: sử dụng nhiều loại hóa chất (uống thuốc trong quá trình điều trị bệnh); uống nhiều rượu bia, hút nhiều thuốc lá; ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn cay, nóng, chất béo, chất đạm, thực phẩm quá ngọt hoặc là các chất quá nhiều năng lượng - chính năng lượng thừa bị đốt cháy làm gia tăng chuyển hóa cơ bản nên sinh nhiệt trong cơ thể; uống quá ít nước không đủ làm mát cơ thể và gây khô táo trong người; làm việc trong môi trường ô nhiễm và thời tiết nóng bức làm các tế bào hô hấp mạnh hơn nên sinh nhiệt trong người.
Hậu quả của nóng trong người là nhiệt độc tích tụ lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch trong cơ thể, làm dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa; nhiệt độc lâu ngày còn có nguy cơ thâm nhập phần huyết, gây chứng huyết nhiệt có thể dẫn đến sốt cao, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, rối loạn thành mạch.
Chữa trị
Muốn hết nóng trong người cần phải thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt lương huyết bằng chế độ ăn uống, hay dùng những bài thuốc. Y học cổ truyền chữa nóng trong người thường dùng bài thuốc bổ thận âm rất hiệu quả, đó là bài gồm các vị thuốc: thục địa, hoài sơn (mỗi vị 16g), sơn tra, phục linh (mỗi loại 12g), đan bì, trạch tả (mỗi vị 10g). Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần dùng trong ngày, dùng sau khi ăn 30 phút. Thường dùng một đợt là 10 ngày.
Ngoài việc dùng thuốc, ăn uống đúng cách cũng sẽ giúp chữa trị tình trạng này. Hằng ngày phải tăng cường ăn các loại rau quả có tính mát như: rau mồng tơi, dâu tươi, dưa chuột, bí đao, mướp đắng (khổ qua), cà chua, rau diếp cá, bột sắn dây... và uống đủ bình quân 2 lít nước mỗi ngày. Cần hạn chế các loại thực phẩm có tính cay nóng, kích thích như tiêu, ớt, rượu bia, nước chè đặc, cà phê... Bên cạnh đó cũng cần có chế độ sinh hoạt điều độ - không thức quá khuya, tránh căng thẳng, stress; năng vận động cơ thể.