Dân số thế giới vượt 7 tỉ người cuối năm nay
Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu về Dân số Pháp (INED) ngày 18/8/2011, thì dân số thế giới sẽ đạt mốc 7 tỉ người vào cuối năm nay và dự báo sẽ đạt con số 10 tỉ người vào cuối thế kỷ này.
>> 5% dân số hiểu biết về khoa học
7 tỉ
Theo bản nghiên cứu được công bố hai năm một lần của cơ quan này, nhìn chung, tình hình tăng dân số đã phần nào bớt nóng hơn. Dân số thế giới đạt mốc 6 tỉ người vào năm 1999. Như vậy, thế giới cần tới 12 năm để tăng từ 6 tỉ lên 7 tỉ người và cần tới 14 năm để tăng từ 7 tỉ lên 8 tỉ người vào thời điểm khoảng 2025.
Liên Hiệp Quốc lấy mốc biểu tượng là ngày 30/10 để đánh dấu mức tăng dân số thế giới đạt 7 tỉ người. Mức tăng dân số đạt mốc kỷ lục 2%/năm cách đây 50 năm, năm 2011 mức tăng dân số thế giới là 1,1%. Mức giảm này được giải thích do tỉ lệ sinh trung bình của mỗi phụ nữ hiện nay chỉ là 2,5 trẻ so với con số 5 trẻ/phụ nữ vào năm 1950. Tuy nhiên, tỉ lệ sinh ở mỗi khu vực là không đồng đều. Châu Phi vẫn là châu lục có tỉ lệ sinh cao nhất.
Theo đánh giá của INED, dân số châu Phi sẽ có mức tăng cao nhất. Nếu như châu Phi có khoảng 800 triệu người vào năm 2000, 1,05 tỉ vào tháng 6 năm nay thì châu lục này sẽ có khoảng 3,4 tỉ người vào năm 2100. Lý giải cho tình trạng trên, nhà nghiên cứu Gilles Pison, tác giả của bản nghiên cứu đã lý giải: “Đây là một trong những khu vực có tỉ lệ sinh vẫn còn cao và những khu vực có mức tăng dân số cao trong những thập kỷ tới là những nơi có tỉ lệ sinh cao nhất”.
Hiện trung bình mỗi phụ nữ Niger có 7 con, 6,4 con ở Somalia, 6,1 con ở Congo, 5,8 con ở Burkina Faso. tỉ lệ tử vong ở trẻ em ở châu Phi cũng thuộc diện cao nhất thế giới trong tổng số 1000 trẻ được sinh ra thì số trẻ tử vong là 74 ở châu Phi so với trung bình 44 trẻ trên thế giới (và 6 trẻ ở Mỹ và châu Âu).
Bản nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc về số dân vào năm 2050 với 1,7 tỉ dân so với 1,31 tỉ dân của Trung Quốc. Dân số Trung Quốc sẽ giảm nhẹ trong 40 năm tới.
Nguyên nhân lý giải cho việc dân số Trung Quốc không tăng là do chính sách một con được áp dụng rất chặt chẽ ở đất nước này. Nigieria sẽ vươn lên vị trí thứ ba trong danh sách các nước đông dân nhất thế giới với 433 triệu người (nước này hiện đứng thứ 7 trong số các nước đông dân nhất thế giới với 162,3 triệu người). Tiếp theo là Mỹ với 423 triệu người. Liên minh châu Âu có số dân tăng không đáng kể với 513 triệu người.
Tính ở thời điểm 2011, cùng với Trung Quốc và Ấn Độ, Mỹ, Indonesia, Braxin, Pakistan, Nigeria, 7 nước này chiếm tới nửa số dân của thế giới.
Những hệ lụy
Việc dân số thế giới đạt tới một mốc tăng mới có lẽ làm chúng ta lo hơn là mừng. Dân số thế giới ngày càng tăng trong khi diện tích không thay đổi chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy lớn tác động trực tiếp tới cuộc sống, thiên nhiên, môi trường trên địa cầu.
Thứ nhất, là dân số tăng dẫn đến các nhu cầu về nhà ở, đất đai sẽ ngày tăng, điều này sẽ đặt các nước vào thế khó khi phải sử dụng, phân chia hợp lý nguồn đất đai không thể tăng lên và nguồn tài nguyên thiên nhiên càng ngày sẽ càng cạn kiệt của mình.
Thứ hai, nguồn lương thực đáp ứng cho 7 tỉ người sẽ là một thách thức thực sự cho cả thế giới. Đặc biệt khi chúng ta biết rằng đảm bảo an ninh lương thực ở thời điểm hiện là thách thức đối với thế giới.
Theo số liệu của FAO, số người bị đói trên thế giới hiện lên tới gần 1 tỉ người, chủ yếu ở các nước đang phát triển. Những biến đổi khó lường của khí hậu, các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang, khủng hoảng kinh tế, giá nhiên liệu tăng đột biến…đặt ra nhiều vấn đề về sản xuất lương thực - thực phẩm và đảm bảo nguồn cung cho toàn cầu..
Thứ ba, nguồn nước sẽ là một trận chiến mới trong những thập kỷ tới đây. Theo các số liệu thì chỉ 10% số nước chiếm tới 60% lượng nước ngọt có khả năng tái tạo lại trong khi nhiều nước khác chỉ sử dụng các nguồn nước từ lòng đất, không có khả năng tái tạo. Theo Liên Hiệp Quốc, trong vòng 40 năm tới sẽ có khoảng 2 tỉ người phải chịu cảnh thiếu nước ngọt.
Bên cạnh đó, tình trạng bệnh tật, nghèo đói, khoảng cách phát triển giữa các nước, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và thiên tai chắc chắn sẽ ngày càng tăng lên làm cho các cư dân trên trái đất ngày càng thấy cuộc sống trở nên “khó khăn” hơn. Chính vì lẽ đó, ngay từ bây giờ các quốc gia và các tổ chức quốc tế có liên quan cần phải có đối sách hợp lý để hạn chế những tác động xấu của tình trạng dân số thế giới tăng lên trong những thập kỷ tới.